CHƯƠNG 1 - NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH NHẬP MÔN TƯ DUY PHẢN BIỆN THÔNG QUA MÔ HÌNH GIBBS
Mô tả chương 1: Nhập môn tư duy phản biện: ở chương này tôi đã được tìm hiểu những nền tảng cơ bản nhất về khái niệm tư duy phản biện cũng như những kỹ năng tư duy nền tảng hình thành tư duy phản biện, với tuần tự các phần học là :
Nhập môn tư duy phản biện
+ Khái niệm tư duy và tư duy phản biện:
. Khái niệm tư duy:
. Các cách tiếp nhận định nghĩa tư duy phản biện
+ Các tiêu chuẩn của tư duy phản biện:
. Đặc điểm tư duy phản biện
. Các thành phần của tư duy
. Các tiêu chuẩn của tư duy phản biện
+ Vai trò của tư duy phản biện:
. Lợi ích của tư duy phản biện
. Vai trò và thách thức của tư duy phản biện đối với kiến trúc sư
. Các rào cản đối với tư duy phản biện
Cảm nhận chương 1: Nhập môn tư duy phản biện:
Chương đầu của môn Tư duy phản biện đã mang lại cho tôi rất nhiều tri thức sâu sắc và bổ ích. Trước hết, “Nhập môn tư duy phản biện” đã định hình và định nghĩa cho tôi rất nhiều khái niệm mà trước đây tôi còn mơ hồ. Ví như khái niệm về “ tư duy” nói chung và “tư duy phản biện” nói riêng. Trước đây tôi từng nhập nhằng và vô cùng bối rối khi phải biệt lập hai khái niệm này. Thế nhưng bây giờ thì tôi có thể tự tin khái niệm “tư duy” là một hoạt động phức tạp của não bộ làm cho chúng ta có nhận thức, tri thức và là công cụ mở đường cho sự phát triển của con người. Còn “tư duy phản biện” là khả năng hệ thống cái gọi là “tư duy” một cách chủ động, linh hoạt, độc lập và logic, hay nói cách khác nó là quá trình vận dụng tư duy vào thực tiễn để đánh giá một vấn đề, là quá trình không ngừng “hỏi và trả lời” của chúng ta. Có thể cách hiểu của tôi chưa trọn vẹn, thế nhưng cơ bản trong trí óc tôi đã manh nha được những đường nét rạch ròi về hai khái niệm này. Sau khi nắm được khái niệm - thẩm thấu ý nghĩa sâu sắc của chúng và thông qua tri thức được bài giảng cung cấp kết hợp với trải nghiệm thực tiễn, tôi còn nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của “ tư duy” và “tư duy phản biện” trong cuộc sống thường nhật, trong công việc, cũng như các khía cạnh khác của đời sống, khoa học, tự nhiên và con người. Đó cũng là tri thức sâu sắc, bổ ích tiếp theo mà chương 1 môn “Tư duy phản biện” đã đem lại cho tôi.
Đánh giá chương 1: Nhập môn tư duy phản biện:
Nhìn chung, với tôi, chương một là một khởi đầu khá nhẹ nhàng, nhưng lại sâu sắc.
Nói nhẹ nhàng bởi lẽ, chương này không quá nặng nề về khối lượng kiến thức cũng như bài tập. Chương một không có quá nhiều kiến thức để ghi nhớ, chỉ cần hiểu thế nào là “tư duy”, thế nào là “tư duy phản biện” thì ý nghĩa cũng như vai trò của chúng sẽ tự hiển hiện trong trí óc chúng ta vì ý nghĩa và vai trò ấy được phản ánh khá rõ ràng trong thực tiễn.
Nói chương một sâu sắc bởi lẽ, dù khối lượng kiến thức không quá nhiều nhưng nó vừa đủ để cho tôi nghiền ngẫm lại cái được gọi là tư duy. Nghiền ngẫm nguồn cội của nó, cách nó tác động đến sự vận hành của xã hội và sự phát triển của con người. Cách phân loại tư duy cũng khiến tôi choáng ngợp bởi những sự vật sự việc phức tạp biến chuyển trong khối óc của con người.
Phân tích chương 1: Nhập môn tư duy phản biện:
Bên trên tôi đã nhắc nhiều về lợi ích, cũng như cái hay của chương, vậy nên ở phần này tôi sẽ phân tích những hạn chế của chương. Tôi cảm thấy về chương Một nói riêng và môn “Tư duy phản biện” nói chung, về cơ bản chứa đựng khá nhiều từ ngữ chuyên ngành cũng như khái niệm mang tính chất trừu tượng, mơ hồ. Chính vì vậy những ví dụ sát với thực tiễn là rất cần thiết để minh họa cho những khái niệm, từ ngữ chuyên ngành. Song song với đó, để hiểu hết những nội dung mà chương muốn truyền tải ta cũng cần có những trải nghiệm thực tiễn, ăn khớp với căn nguyên sâu xa mà khái niệm - từ ngữ đang nhắc tới. Điều này vô hình chung sẽ khiến môn học trở nên nhàm chán, khô cứng với những đối tượng học sinh thích tiếp xúc với những nội dung học tập trực quan, dễ hiểu từ những chương đầu tiên.
Kết luận chương 1: Nhập môn tư duy phản biện:
Với những cá nhân thích những môn học mang tính chất trừu tượng và nghiền ngẫm như tôi, tôi nhận thấy Tư duy phản biện là một môn học vô cùng thú vị và phù hợp. Hơn hết, đặc biệt phù hợp với những ai theo đuổi ngành kiến trúc - xây dựng. Tư duy phản biện sẽ là một công cụ đắc lực để họ đánh giá phương án, bảo vệ phương án và phát triển phương án.
Bài học rút ra ở chương 1: Nhập môn tư duy phản biện:
- Bài học nhận thức:
Nhận thức được vai trò của tư duy đối với sự vận động và phát triển của sự vật, sự việc.
Nhận thức được sức ảnh hưởng của tư duy phản biện trong việc nhìn nhận, đánh giá một vấn đề
Nhận thức được tầm quan trọng của tư duy nói chung và tư duy phản biện nói riêng đến ngành kiến trúc
- Bài học hành động:
Tích cực tư duy mọị vấn đề trong cuộc sống để thấy được xu hướng vận động và phát triển của chúng
Vận dụng tư duy phản biện vào nhiều lĩnh vực đời sống, cũng như học tập, công việc để có cái nhìn đa chiều về ngọn ngành mọi vấn đề
Hạn chế lối tư duy bảo thủ, truyền thống, tiếp nhận những điểm hay ở các hình thức tư duy khác nhau
0 Nhận xét